Với sự khởi đầu cho chặng đường 5 năm, sẽ đưa Bình Thuận thành trung tâm thể thao biển gắn với phát triển du lịch mang tầm quốc gia, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, phong phú sản phẩm để phục vụ du khách trong và ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững. Đề án này, về phía du lịch sẽ là tác động rất lớn để kêu gọi đầu tư phát triển du lịch - thể thao biển, xứng đáng để Bình Thuận là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), đây sẽ là bước đột phá để tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm với các sản phẩm du lịch - thể thao biển đặc trưng, dọc theo bãi biển từ huyện Tuy Phong đến thị xã La Gi, với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né và các khu du lịch vệ tinh. Từ đó sẽ có một Bình Thuận đồng đều cả về 2 mặt du lịch và thể thao. Ông Huỳnh Ngọc Tâm – Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: “Việc xây dựng các điểm đến du lịch - thể thao biển tầm cỡ quốc gia và quốc tế, để đẩy mạnh thu hút khoảng trên 8 triệu lượt du khách, trong đó du khách quốc tế đạt khoảng 10 - 12%. Theo đó, chậm nhất đến năm 2025 sẽ đưa vào hoạt động được 3 bến du thuyền và 1 sân golf. Các địa phương từ cấp huyện, thị xã, thành phố ven biển phải xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất và phải có ít nhất 1 sân tập luyện, tổ chức thi đấu thường xuyên các môn thể thao biển”. Tuy nhiên, hiện dịch bệnh đang bùng phát khắp nơi nên xác định việc xây dựng đề án sẽ gặp không ít khó khăn. “Chúng tôi xác định những nội dung ưu tiên và thứ tự triển khai của đề án, đảm bảo tính khoa học, phù hợp với khả năng tài chính, nhân lực. Những nội dung cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, cần phân rõ chức năng chủ trì, chức năng phối hợp và nhiệm vụ cụ thể từng đơn vị” – ông Huỳnh Ngọc Tâm cho biết thêm.
Nhìn một cách tổng thể của đề án, các điểm đến gắn với phát triển du lịch - thể thao biển như Khu du lịch Bình Thạnh - Cù Lao Câu (Tuy Phong) đến Khu du lịch Cam Bình (La Gi) với trọng tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tùy theo vị trí, thế mạnh về thiên nhiên, khí hậu ưu điểm của từng vùng mà phát triển phù hợp các hoạt động thể thao biển giải trí như: Lặn biển, câu cá, tàu đáy kính. Thậm chí các bộ môn thể thao trên cạn như bóng chuyền bãi biển, bóng đá bãi biển, bóng ném bãi biển, chạy việt dã... Các môn thể thao giải trí trên biển, lặn biển, mô tô nước (Jetski sport), trượt nước (Waterski), dù lượn, ván chèo đứng (SUP Race)... và các hoạt động thể thao giải trí khác.
Con người
Nếu xét về cơ sở vật chất, Bình Thuận cũng có nhiều thuận lợi, khi có Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (cơ sở II) và nhiều dự án, công trình thể thao được các doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng sớm đưa vào hoạt động phục vụ tổ chức các hoạt động thể thao biển gắn với phát triển du lịch: Novaworld Phan Thiết (Ocean Valley), FLC Phan Thiết (FLC Group)... Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án, công trình thể thao, đặc biệt bến du thuyền nhằm tạo ra sản phẩm du lịch - thể thao biển độc đáo, hiện đại để có thể đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao quốc gia, khu vực và quốc tế. Song, dù sao thời điểm này yếu tố môi trường và con người vẫn là mấu chốt. Việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ môi trường trong sạch cũng là vấn đề quyết định thành bại cho du lịch.
Ông Huỳnh Ngọc Tâm chia sẻ: Đề án này có từ năm 2016 và đã có kế hoạch thực hiện giai đoạn từ 2017 – 2020. Nay UBND tỉnh phê duyệt thực hiện cho giai đoạn 2021 – 2025. Ở đây yếu tố nhân lực cũng rất quan trọng, đòi hỏi phải chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - thể thao biển, đặc biệt là lĩnh vực thiết kế - tổ chức chương trình, hướng dẫn viên và huấn luyện viên. Làm sao để thu hút sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành thể thao, giải trí về công tác tại các cơ sở có hoạt động du lịch thể thao biển và giải trí… để có thể xây dựng được những sản phẩm đảm bảo chất lượng, hấp dẫn và phù hợp với yêu cầu của du khách, vì du lịch - thể thao biển đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao.